The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Ngân vang giọng kể hơ mon
01/11/2017 - Lượt xem: 2965
Từ rất lâu, việc dân làng tụ tập về nhà rông để nghe già làng hát kể hơ mon-sử thi Bahnar đã dần thưa vắng. Lớp người kế tục thì hầu như vắng bóng, trong khi lớp nghệ nhân lớn tuổi ngày một thưa dần… Vì vậy, mới đây, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ và UBND xã Ya Hội tổ chức một lớp truyền dạy hát sử thi Bahnar với mong muốn góp phần lưu giữ nét đẹp ấy.

Vào một tối giữa tháng 10, trời không trăng, chỉ có tiếng gió xào xạc đùa vui qua từng kẽ lá, chúng tôi đến thăm lớp học hát kể sử thi Bahnar ở xã Ya Hội. Đến nơi, lớp học đã bắt đầu được khoảng 15 phút. Trong ngôi nhà rông ở làng Kliêt, bên ánh lửa bập bùng, giọng của già làng ngân vang đầy lôi cuốn. Lần đầu được nghe giọng hát kể trầm bổng ấy, dù không hiểu nhưng trong lòng vẫn phải thốt lên: Hay quá! Hấp dẫn quá! Sau khi tìm hiểu, tôi được biết nội dung của bài hát kể về chuyện 2 anh em nhà Jun Jang. Người em trai của Jun Jang tên là Jun Tư xin Jun Jang một cây ké cổ, nhưng Jun Jang không cho. Thế là, người em tìm cách kiếm chuyện gây gổ với Jun Jang.
 

Nghệ nhân Đinh Tim.                                         Ảnh: L.A
Nghệ nhân Đinh Tim. Ảnh: L.A

Trong không gian im ắng, bên bếp lửa bập bùng, mọi người ngồi quây quần, tiếng nghệ nhân ngân nga vang lên, như vọng lại từ một không gian xa xôi thần bí. Cả người kể lẫn người nghe đều bị nghệ thuật và không gian diễn xướng mê hoặc, dẫn dắt theo, như sống trong diễn biến của câu chuyện. Đây cũng chính là điều làm nên sức sống và sự truyền cảm của nghệ thuật diễn xướng hát kể sử thi tồn tại qua bao thế hệ...

Sau khi nghe hát một lúc, chúng tôi xin phép được trò chuyện với mọi người. Lớp học khai giảng vào ngày 23-5-2017, tổ chức 2 tối/tuần tại nhà rông làng Kliêt hoặc nhà rông làng Groi, xã Ya Hội. Lớp học do 2 nghệ nhân hát kể hơ mon của xã là già Đinh Yie (làng Groi) và già Đinh Tim (làng Kliêt) “đứng lớp”. Cả xã Ya Hội có 3 nghệ nhân hát kể hơ mon, ngoài già Yie và già Tim còn có già Đinh Nhưr sống ở làng Bung. Già Tim rít một hơi thuốc, ánh mắt đượm buồn cất giọng khàn khàn cho chúng tôi biết: “Ông Đinh Nhưr không tham gia giảng dạy vì hiện tại sức khỏe của ông ấy rất yếu, không thể hát được nữa. Rồi sau này tôi và ông Yie cũng sẽ già yếu như ông ấy”. Tiếng rít tẩu thuốc lại vang lên theo lời kể của già.

Già kể tiếp: Từ nhỏ, già thường được nghe cha mình hát hơ mon, rồi nghe các già làng trong làng hát, không biết từ lúc nào nó ngấm vào máu. Mỗi lần trong làng có lễ hội, bên ánh lửa bập bùng, các già làng thường ngồi hát kể hơ mon, có bài nghe đến 2, 3 đêm mới hết. Thế nhưng, dù dài đến mấy, nghe rồi cũng thuộc. Năm 15 tuổi già đã có thể hát kể được một số bài hơ mon. Đến nay, già đã có 60 năm hát kể hơ mon với kho bài hát đồ sộ.

Lớp học lần này, xã Ya Hội có 6 học viên tham gia. Dù không nhiều, nhưng đây cũng được xem là một tín hiệu vui vì trong cộng đồng vẫn còn có người trẻ thích loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, do các bài hơ mon thường rất dài nên gây không ít khó khăn cho học viên. Mà khó nhất trong việc học hát kể hơ mon đó là ngân nga sao cho thật thu hút. Anh Đinh Kơnh, làng Tờ Số, cho biết: “Mấy bài hát thì nội dung nắm được hết, nhưng chủ yếu là hát không được. Hát phải theo nhịp, phải theo giọng”.

Ông Đinh Pre-Bí thư Đảng ủy xã Ya Hội, cũng là một học viên của lớp học, cho hay: “Bước đầu anh em đi học cũng thường xuyên, một số anh em biết thì biết sơ sơ thôi, nhưng hát kể hơ mon thì rất khó, một số anh em cũng không thể nhớ hết những gì thầy dạy. Nhưng phải học để mà lưu giữ truyền thống của người Bahnar”.  

Trong thời gian gần 5 tháng, các học viên đã được truyền dạy 6 bài sử thi gồm: Pơm Rông (Làm nhà rông), Sa moc (Ăn lúa mới), Kop yang/tech hla plâu (Đi bán lá trầu), Năm krâu (Đi suốt cá), Téch Dyông (Bắt cóc Dyông), Grong kơpô (Lễ đâm trâu). Đánh giá về lớp truyền dạy sử thi hơ mon cũng như kỳ vọng trong việc bảo tồn loại hình nghệ thuật diễn xướng đặc sắc này, bà Nguyễn Thị Hảo-cán bộ nghiên cứu Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho biết: “Hát kể hơ mon rất khó, có những bài nghệ nhân phải hát đến 3, 4 đêm. Bước đầu chúng tôi không kỳ vọng các học viên phải thành tài ngay, mà quan trọng là làm sao khơi dậy được lòng yêu văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình, từ đó các nghệ nhân và các học viên sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát kể sử thi”.

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG