The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Kinh tế Việt Nam nỗ lực vượt qua những thách thức mới
02/07/2014 - Lượt xem: 2294
Trong 6 tháng đầu năm 2014, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn có những chuyển biến tích cực. Thể hiện rõ nhất là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, sản xuất công nghiệp chế biến có dấu hiệu phục hồi, xuất khẩu hàng hóa đạt mức tăng khá...

 


Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang thay đổi sau thời kỳ khủng hoảng, tình hình căng thẳng tại Biển Đông ảnh hưởng ít nhiều, "con tàu" kinh tế tiếp tục nỗ lực vượt qua thách thức.

Trong cuộc họp thường kỳ tháng 6, Chính phủ cũng đã thống nhất t hực hiện hiệu quả các giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát; không điều chỉnh các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế-xã hội đã được đề ra cho năm 2014.

Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định để đạt được mục tiêu mục tiêu GDP tăng trưởng 5,8% trong năm 2014 là một thách thức nhưng không phải không có cơ sở đạt được.

Duy trì đà tăng trưởng

Theo tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2014 còn khó khăn nhưng nhiều dấu hiệu khả quan, tăng trưởng khá, các chỉ tiêu quan trọng đã phản ảnh sự phục hồi, thoát đáy của kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, kinh tế vẫn duy trì được tăng trưởng, GDP quý II tăng cao hơn quý I và 6 tháng đầu năm ước đạt 5,18%, tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ 2 năm trước…

Cơ cấu kinh tế của 3 khu vực chuyển biến theo hướng tích cực. Khu khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,7%; khu vực dịch vụ chiếm 43,6%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 17,6%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 5,3% của cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lạm phát sau 6 tháng của Việt Nam đang dừng ở mức 1,38%, thấp nhất trong 13 năm qua và chỉ bằng 1/5 mục tiêu lạm phát của cả năm.

Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ, CPI tháng 6/2014 vẫn tăng 4,98%. Lạm phát sau 6 tháng ở mức thấp là tín hiệu cho thấy mục tiêu kiềm soát lạm phát, ổn định vĩ mô của Việt Nam đã phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, điều tra xu hướng kinh doanh của khu vực doanh nghiệp cũng phản ánh những tín hiệu tích cực: xu hướng tăng quy mô vốn sản xuất, tăng quy mô doanh thu, tăng lợi nhuận và tăng quy mô xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp năm 2014 lần lượt là 33%, 71,5%, 75,1% và 34,1% cao hơn nhiều các chỉ tiêu này của cùng kỳ năm 2013. Điều này cho thấy, mặc dù còn khó khăn nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển trong năm 2014 và các năm tiếp theo.

Xuất khẩu cũng là điểm sáng của nền kinh tế. Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 70,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Các chỉ số khác như tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành ước tính đạt 502,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước và bằng 30,1% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Đánh giá về nền kinh tế có nhiều khởi sắc, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, nền kinh tế đã có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là hoạt động kinh doanh bất động sản bước đầu có những tín hiệu tốt với mức tăng 2,65%, cao hơn mức 1,8% của cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân chủ yếu do lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm dần, chính sách của nhà nước về hỗ trợ ngành bất động sản đang dần phát huy tác dụng và các điều kiện cho vay mua nhà cũng được nới lỏng…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế vẫn tồn tại những khó khăn như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn ở mức khá cao và chưa có dấu hiệu giảm; tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp; g iải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ chậm.

Bên cạnh đó, vừa qua do sự cố một số đối tượng quá khích, vi phạm pháp luật phá hoại tài sản của doanh nghiệp ở một số địa phương, trong đó có doanh nghiệp FDI đã ảnh hưởng nhất định đến sản xuất, kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực cũng như ảnh hưởng tới môi trường đầu tư và trật tự an toàn xã hội.

Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao nếu thiếu tính đồng bộ trong thực hiện các giải pháp, bên cạnh đó, quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước tiến triển chậm và nhu cầu thị trường trong nước chưa có nhiều cải thiện.

Kiểm soát để tăng chất lượng vốn đầu tư

Để đạt được mục tiêu GDP tăng 5,8%, một trong những giải pháp trước mắt mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra là bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để tiếp tục duy trì mức lạm phát hợp lý nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu đầu tư của Chính phủ từ nguồn vốn trái phiếu trên cơ sở tăng cường quản lý đầu tư công.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, đẩy mạnh đầu tư công cũng là một trong những giải pháp được ngành Tài chính chú trọng. Bộ tiếp tục tạo điều kiện, các thủ tục để giải ngân dự án, hoàn thành vốn ngân sách, kể cả vốn trái phiếu Chính phủ nhưng quan trọng hơn là thu hút nguồn lực tham gia đầu tư phát triển để tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, đặc biệt là các công trình cơ sở hạ tầng phát triển.

Trong bối cảnh kinh tế đang gặp những khó khăn, thách thức mới, yêu cầu đặt ra là kiểm soát để tăng chất lượng vốn đầu tư, đồng thời cải cách, thiết lập cơ chế để dòng vốn được sử dụng hiệu quả hơn.

Về vấn đề này, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, về tăng trưởng kinh tế cần chú trọng đến chính sách kích thích tăng tổng cung, nhưng phải trên cơ sở tăng năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp chứ không phải từ tăng đầu tư. Muốn vậy, trong điều hành nền kinh tế cần thực sự làm tốt các giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh.

Liên quan đến chất lượng sử dụng vốn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, các ngân hàng tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để tăng tín dụng và đặc biệt là chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, “Chính phủ cần phải có sự phối hợp chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tài khóa, đầu tư, chính sách đối với doanh nghiệp. Trong hoạt động ngân hàng, có chính sách liên quan đến cơ chế bảo đảm tiền vay, xử lý tài sản… thì mới có thể đưa vốn tín dụng ra có hiệu quả,” Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Định hướng tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường

Mặc dù kinh tế thế giới và trong nước đã bắt đầu vượt qua giai đoạn khủng hoảng, song một trong những thách thức lớn nhất của nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vẫn là tìm đầu ra.

Trong bối cảnh thị trường thế giới đã có sự phân khúc, việc tìm được một chỗ đứng trong chuỗi cung ứng toàn cầu không phải là dễ. Việc giữ thị trường (chưa nói đến mở rộng), tham gia hội nhập song không quá phụ thuộc vào bất cứ một thị trường nào đó lại càng khó hơn.

Trong bối cảnh căng thẳng tại biển Đông Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo cần xây dựng và vận hành nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Các quan hệ kinh tế đều dựa trên nguyên tắc thị trường, bình đẳng, cùng có lợi. Các cấp thực hiện có hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy nhanh tiến độ Đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cùng với việc triển khai quan hệ hợp tác bình thường, cùng có lợi với Trung Quốc, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục chủ động tính toán các phương án ứng phó phù hợp khi xảy ra các tình huống xấu; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; tận dụng, khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế; khuyến khích tiêu dùng nội địa, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển vùng nguyên liệu và chủ động về nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Liên quan đến tác động của sự kiện Biển Đông với nền kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm khẳng định: “Sự kiện biển Đông sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế và đất nước ta sẽ vượt qua thách thức này, đồng thời đây cũng là cơ hội để đất nước ta đổi mới quy trình sản xuất và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, không phụ thuộc vào một nền kinh tế nào. Theo số liệu chính thức về xuất, nhập khẩu năm 2012, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc hiện tại chiếm khoảng hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu”.

Cũng theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nhập khẩu Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc, ước chiếm 25% tổng nhập khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, trước những thách thức mới của nền kinh tế, Tổng cục Thống kê đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các kịch bản kinh tế khác nhau để báo cáo Chính phủ.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, nếu các Bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty và cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế bằng các giải pháp và hành động cụ thể, hiệu quả, thì mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,8% mà Quốc hội đặt ra trong năm nay sẽ đạt được./.

(Theo Vietnam+)

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG