Các Bộ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (Ảnh VOV)

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị lần này do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã có nhiều đóng góp tích cực góp phần cho thành công của Hội nghị. 

Trong khuôn khổ Hội nghị AEM 48 và các Hội nghị liên quan, đã diễn ra rất nhiều các cuộc họp bao gồm Hội nghị Hội đồng Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 30, Hội nghị liên Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN (AEM-AIA) lần thứ 19, các hội nghị tham vấn giữa ASEAN với 10 đối tác; Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 16 nước tham gia Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4, Hội nghị Bộ trưởng Mekong-Nhật Bản lần thứ 8, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế 4 nước CLMV lần thứ 8. 

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Lộ trình tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 sau khi các Nhà Lãnh đạo ASEAN quyết định thành lập Cộng đồng Cộng đồng Kinh tế vào ngày 31/12/2015. Lộ trình này đặt ra mục tiêu hướng tới một ASEAN hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng hơn vào năm 2025, đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế cao, phát triển kinh tế bền vững, đối phó tốt với các thách thức kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người dân ASEAN. Bởi vậy, trọng tâm hợp tác của năm là xây dựng nền tảng cho việc triển khai Lộ trình một cách hiệu quả. 

Trên tinh thần đó, tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã tập trung xem xét và thông qua nhiều khuôn khổ cho tăng cường hợp tác kinh tế nội khối ASEAN, gồm có Khuôn khổ Thuận lợi hóa thương mại ASEAN; Khuôn khổ Quản lý an toàn thực phẩm ASEAN; Khuôn khổ thể chế ASEAN về tiếp cận tài chính cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; Chương trình làm việc về khởi nghiệp trong ASEAN; Chỉ dẫn phát triển và phối hợp về đặc khu kinh tế; Kế hoạch hành động chiến lược để thực hiện Lộ trình tổng thể xây dựng AEC 2025 của các nhóm công tác trong các lĩnh vực: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, tiêu chuẩn và tuân thủ, hải quan, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, sở hữu trí tuệ, thống kê; Kế hoạch làm việc về Chuỗi giá trị toàn cầu; Khuôn khổ giám sát và đánh giá thực hiện Lộ trình tổng thể xây dựng AEC 2025; Tài liệu quản lý và cơ cấu thực hiện Khung tham chiếu trình độ ASEAN (AQRF). 

Các Bộ trưởng đã cùng nhau rà soát lại tình hình hội nhập kinh tế ASEAN tới nay và tiếp tục đưa ra nhiều sáng kiến với mục tiêu mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh việc cơ bản xóa bỏ hàng rào thuế quan nội khối, ASEAN đang triển khai các sáng kiến tạo thuận lợi cho thương mại, cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, như dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ, chuẩn bị phát hành giấy chứng nhận xuất xứ điện tử, Cơ chế hải quan một cửa, khởi động công cụ tra cứu trực tuyến về thuế quan, lập cơ sở dữ liệu thương mại tham khảo cho doanh nghiệp, cơ chế tham vấn trực tuyến về thương mại để doanh nghiệp trực tiếp nêu các vướng mắc về rào cản trong hoạt động kinh doanh tới cơ quan chính phủ.. . 

Các Bộ trưởng đạt được đồng thuận cao về việc thúc đẩy thực thi cam kết trong các lĩnh vực khác như: đưa vào hiệu lực Gói cam kết dịch vụ thứ 9 trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ, đưa vào hiệu lực Hiệp định Di chuyển thể nhân ASEAN (MNP), hoàn tất Nghị định thư thứ hai sửa đổi Hiệp định ACIA để tăng cường tự do hóa môi trường đầu tư trong ASEAN, đẩy mạnh các hoạt động tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xúc tiến cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… 

Nhằm tăng cường hợp tác kinh tế với các đối tác, trong khuôn khổ Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tổ chức đối thoại với Bộ trưởng các đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Nga, Canada, Hong Kong (Trung Quốc) và thống nhất được nhiều nội dung quan trọng như chuẩn bị tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN và Trung Quốc về hợp tác năng lực sản xuất, chuẩn bị ký kết văn kiện pháp lý về kết quả đàm phán dịch vụ và đầu tư trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), chuẩn bị rà soát tổng thể Hiệp định thành lập khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia, New Zealand (AANZFTA), thúc đẩy tiến trình rà soát Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Ấn Độ theo hướng tăng cường tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ASEAN xuất khẩu vào thị trường này, khởi động tiến trình đàm phán tự do hóa hơn về thương mại hàng hóa giữa ASEAN và Hàn Quốc, thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Hong Kong, triển khai các sáng kiến hỗ trợ hội nhập kinh tế khu vực trong các khuôn khổ ASEAN+3 và Đông Á, nhất trí tổ chức đối thoại chính sách thường niên với Canada.... 

Trên cơ sở kết quả Hội nghị Cấp cao đặc biệt của các Nhà Lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ tổ chức vào tháng 2 và Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Nga tổ chức vào tháng 5 năm nay, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và hai đối tác đã đối thoại và nhất trí triển khai các sáng kiến tăng cường kết nối ASEAN với các đối tác này, cụ thể như thiết lập các trung tâm kết nối Hoa Kỳ-ASEAN tại Singapore, Bangkok và Jakarta, xác lập các nguyên tắc hợp tác ASEAN-Hoa Kỳ về đầu tư quốc tế, về minh bạch và quản lý tốt, nghiên cứu thiết lập quan hệ Đối tác kinh tế ASEAN-Nga về Kết nối. 

Với Việt Nam, một trong các mục tiêu quan trọng trong khuôn khổ ASEAN là thúc đẩy việc thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực, đặc biệt là hỗ trợ các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) phát triển kinh tế bền vững, tận dụng được các lợi ích của hội nhập kinh tế. Do đó, tại Hội nghị lần này, Việt Nam cùng các nước CLM thống nhất Kế hoạch hành động CLMV giai đoạn 2017-2018, bao gồm việc xem xét xây dựng Chiến lược tổng thể về Phát triển CLMV cho dài hạn. 

Đồng thời, thực hiện chủ trương tham gia chủ động và tích cực xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam đã ủng hộ nước Chủ tịch Lào tạo dựng đồng thuận trong ASEAN về các khuôn khổ hội nhập nội khối cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác để củng cố vai trò trung tâm của ASEAN. Hiện nay, Việt Nam là một trong số các nước ASEAN thực hiện tốt nhất các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại để giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến về hợp tác khu vực giữa bốn nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, các nước tiểu vùng sông Mekong và Nhật Bản nhằm tăng cường kết nối kinh tế, tạo ra các khu vực kinh tế tiểu vùng có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế xã hội của nhiều tỉnh và thành phố của Việt Nam ở khu vực miền Trung và Nam Bộ Việt Nam. 

Trả lời phóng viên TTXVN tại Lào, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết một loạt các Hội nghị kể trên đã giúp Việt Nam có điều kiện cùng với các nước đối tác trong ASEAN không chỉ hoàn thiện thể chế, các khuôn khổ hợp tác của nội khối ASEAN, mà còn tiếp tục giúp cho ASEAN có được một Lộ trình và từng bước hoàn thiện các khung khổ, mở rộng hợp tác giữa ASEAN với các đối tác quan trọng khác như Đông Bắc Á hay với khu vực AFTA của ASEAN, của ASEAN với Australia, New Zealand, cũng như của ASEAN với Ấn Độ, với Mỹ, với một số quốc gia châu Âu, phương Tây…Việc Hội nghị lần này đạt được hàng loạt các thỏa thuận, khung hợp tác cơ bản giữa Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với các đối tác, cũng như thỏa thuận về khuôn khổ giữa các nước trong ASEAN có thể coi là nền tảng giúp các nước ASEAN biến các chủ trương, nội dung trong các hiệp định nội khối để xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN thành hiện thực./. 

Theo TTXVN

(Theo ĐCSVN)