Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống hạn mặn.
 
Ảnh: TTXVN

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quan trắc độ mặn được thực hiện từ đầu năm 2018 tại cống Kênh Lầu, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh. Cống Kênh Lầu là điểm giáp với sông Cái Lớn (ranh giới giữa tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang), nơi đầu tiên nước mặn xâm nhập vào thành phố Vị Thanh. Do đó, việc quan trắc độ mặn tại đây rất quan trọng trong công tác phòng, chống hạn mặn. 

Hệ thống quan trắc gồm máy đo độ mặn, camera theo dõi chỉ số mặn hiển thị trên máy đo và mực nước, bộ phận truyền dữ liệu được lắp tại cống ngăn mặn. Tại trạm thủy lợi, máy tính và điện thoại thông minh được cài đặt phần mềm kết nối dữ liệu với máy đo đặt tại cống. Để xác định độ mặn, cán bộ trạm thủy lợi chỉ cần theo dõi chỉ số máy đo hiển thị qua điện thoại đã kết nối dữ liệu để ra quyết định đóng, mở cống. 

Từ kết quả được hệ thống quan trắc thu thập ngay tại cống đầu nguồn, cán bộ thủy lợi nhập chỉ số vào máy tính kết hợp với dữ liệu đã được thu thập từ các năm trước. Máy tính sẽ sử dụng phương pháp tính riêng của ngành thủy lợi để xác định độ mặn của các đoạn sông khác trong nội địa với sai số rất thấp mà không cần phải ra tận nơi đo đạc. 

Khi độ mặn vượt quá ngưỡng cho phép, hệ thống sẽ ghi nhận và báo động về điện thoại để cán bộ thủy lợi điều khiển đóng cống, đảm bảo an toàn cho sản xuất của người dân. 

Ông Trang Chí Cường, Trạm trưởng Trạm Thủy lợi thành phố Vị Thanh chia sẻ, với hệ thống này, cán bộ thủy lợi ở những địa bàn rộng như thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ sẽ bớt vất vả hơn trong quan trắc độ mặn mà việc quan trắc  kết quả chính xác. Việc đưa vào sử dụng hệ thống này góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa xâm nhập mặn trong mùa hạn mặn năm nay. 

Hiện nay, hệ thống chỉ mới được đưa vào sử dụng tại cống Kênh Lầu nhưng từ kết quả quan trắc tại đây, trạm thủy lợi thành phố Vị Thanh có thể thông báo nhanh cho các địa bàn lân cận khi độ mặn tại địa bàn vượt ngưỡng cho phép, hỗ trợ các địa phương khác chủ động trong phương án đóng, mở cống ngăn mặn. 

Đánh giá về hệ thống quan trắc, ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho rằng, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong quan trắc độ mặn ở thành phố Vị Thanh là mô hình mới, phù hợp với địa bàn. Mô hình này so với cách đo thông thường tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức cho cán bộ thủy lợi,vì hệ thống có thể xác định được đỉnh triều để quan trắc, cán bộ sẽ thu thập dữ liệu mà không phải đến tận nơi nhưng vẫn có kết quả chính xác. Trong thời gian tới, Chi cục sẽ mở rộng mô hình này sang các địa phương khác trong tỉnh để rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả công tác quan trắc độ mặn. 

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, mô hình quan trắc ứng dụng công nghệ thông tin đang được thực hiện là bước thực hiện của ngành nông nghiệp nhằm cụ thể hóa chỉ đạo chung của Chính phủ về áp dụng công nghệ thông tin trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay. Từ mô hình của thành phố Vị Thanh, ngành Nông nghiệp sẽ xây dựng đề án ứng dụng hệ thống điều khiển và thu thập dữ liệu trong công tác thủy lợi nhằm nâng cao hiệu quả dự báo và phòng, chống xâm nhập mặn./. 

(Theo ĐCSVN)