The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Kinh nghiệm từ mô hình trồng khoai tây trên đất nhiều mặn của Hà Lan
31/03/2016 - Lượt xem: 2020
Một nhóm nông dân trên cánh đồng nhỏ tại một hòn đảo cực Bắc của Hà Lan đã thành công trong việc trồng khoai tây và một số loại cây lương thực khác có thể được tưới bằng nước muối.

 Ông Mark van Rijsselberghe bên những củ khoai tây được trồng trên đất nhiều mặn. 

(Ảnh: Sarah Helena Rijpkema)

Câu chuyện này không chỉ mang lại “một lời giải đáp đầy hứa hẹn” cho bài toán làm thế nào để cung cấp đủ lương thực cho dân số toàn cầu với quy mô ngày càng tăng mà còn gợi mở phương thức giúp giảm thiểu được sức ép về nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch trong canh tác nông nghiệp.

 

Cứ mỗi ngày trôi qua, ở đâu đó trên thế giới, lại có những cánh đồng không thể tiếp tục canh tác do tình trạng xâm nhập mặn. Tuy nhiên, nông dân trên hòn đảo Texel lộng gió thuộc bờ biển phía Bắc Hà Lan lại tìm ra một giải pháp mới cho vấn đề này thông qua việc sử dụng những phương pháp truyền thống.

Câu chuyện bắt đầu từ việc một nhóm nông dân dẫn đầu bởi ông Mark van Rijsselberghe đã trồng khoảng 30 loại khoai tây với một cách tiếp cận đơn giản: Mọi thứ không thể thích nghi với môi trường nhiễm mặn sẽ bị loại bỏ và mọi thứ khác có thể thích nghi được sẽ phát triển nhanh hơn. Dự án trồng cây trên đất nhiễm mặn của ông Rijsselberghe không chỉ sử dụng khoai tây mà còn nhằm nghiên cứu cách thức “tại sao một số loại cây trồng khác”, trong đó có cà rốt, dâu tây, hành tây và rau diếp, lại có thể tồn tại được trong môi trường này.

Các loại cây trồng trên các cánh đồng thử nghiệm sử dụng hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt. Điều đó bảo đảm rằng cây trồng và độ mặn của đất sẽ được đo lường chính xác, đồng thời hiệu ứng tưới tiêu phù hợp sẽ được phát huy hiệu quả.

Bắt đầu từ 10 năm trước, ông Rijsselberghe, 60 tuổi, đã bắt đầu dự án “Trang trại trồng khoai tây chịu mặn” với hy vọng cải thiện vấn đề thiếu hụt lương thực trên thế giới. Đội thử nghiệm của ông đã được trường Đại học Amsterdam hỗ trợ, không sử dụng các giống cây trồng biến đổi gen hay phòng thí nghiệm để tìm lời giải cho bài toán “trồng cây trong môi trường nhiều mặn”.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), khoai tây là loại cây lương thực phổ biến thứ 4 trên thế giới, với 5.000 loài khác nhau. Ông Rijsselberghe cho rằng, có những cây lương thực đã được tổ tiên loài người trồng tại khu vực gần hay thậm chí là trên mặt biển, và được chuyển vào đất liền. Tuy nhiên, những loại cây này vẫn còn tồn tại những “gen” cần thiết. “Có thể là hàng trăm hoặc 1.000 năm về trước…, các loại cây này vẫn có khả năng chống chọi với môi trường mặn xung quanh” – ông Rijsselberghe nói.

Phương thức mới giúp bảo đảm an ninh lương thực

 

Cánh đồng trồng thử nghiệm khoai tây tưới bằng nước muối của nhóm nông dân Hà Lan 
(Ảnh: AFP Photo/Emmanuel Dunand)

 

Trong bối cảnh hiện nay, đa phần các nhà nghiên cứu đều tập trung vào cách thức nâng cao sản lượng cây trồng, thì nhóm nông dân Hà Lan này lại đi theo cách tiếp cận ngược lại, đó là: Cố gắng trồng cây tại những mảnh đất vốn trước đây từng được xem là “không thể sử dụng được”.

 

Theo số liệu thống kê của Viện nghiên cứu về Nước, Môi trường và Sức khỏe của Liên hợp quốc, trung bình mỗi ngày, trái đất mất khoảng 2.000 ha đất nông nghiệp do hiện tượng xâm nhập mặn tại 75 quốc gia, chủ yếu gây nên bởi tình trạng tưới tiêu kém. Vấn đề này hiện đã ảnh hưởng tới khoảng 62 triệu ha, tương đương với 20% đất canh tác trên toàn thế giới, tăng đáng kể so với con số 45 triệu ha được ghi nhận từ đầu những năm 1990.

Trong khi đó, khan hiếm nước ngọt cũng đang được xem là “vấn đề nghiêm trọng bậc nhất” trên thế giới. Hiện có tới 1/5 dân số thế giới đang sống tại các khu vực khô hạn và hiện tượng biến đổi khí hậu đã khiến vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Theo số liệu thống kê của FAO, hiện có khoảng 800 triệu người trên trái đất đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, trong đó tình trạng xâm ngập mặn đang đe dọa 10% sản lượng mùa màng trên toàn thế giới.

Giải pháp để khắc phục hiện tượng xâm nhập mặn hiện đang trở nên quá đắt đỏ đối với nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có lưu vực sông Hoàng Hà của Trung Quốc, khu vực sông Euphrates tại Syria và Iraq hay thung lũng Indus ở Pakistan.

Ông Rijsselberghe cho biết nhóm nông dân đảo Texel đã gửi hàng nghìn cây khoai tây trồng trên đất mặn tới trồng thử nghiệm tại Pakistan. Dự kiến, trong năm 2016, công việc này sẽ được tiếp tục.

Nếu như những kinh nghiệm trồng khoai tây trên đất nhiễm mặn được ứng dụng thành công và phù hợp với khí hậu tại châu Á, điều này sẽ không chỉ giúp cải thiện cuộc sống của hàng nghìn nông dân sống tại Pakistan và Bangladesh – nơi mà các hiện tượng thiên tai như lũ lụt và xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng thường xuyên hơn, mà còn được xem là “chiếc chìa khóa” hỗ trợ khoảng 250 triệu người sống tại các vùng đất bị xâm nhập mặn trên toàn thế giới.

Khoai tây trồng trên đất nhiều mặn – hương vị ngon và giá trị kinh tế cao

 

Công nhân phân loại khai tây trồng trên đất nhiều mặn trước khi đóng gói. 
(Ảnh: AFP Photo/Emmanuel Dunand)

 

Có một thực tế ngạc nhiên là những củ khoai tây được thu hoạch trên các thửa ruộng nhiều mặn lại có vị ngọt hơn những củ khoai tây được nuôi trồng trong môi trường bình thường. Hiện tượng này là kết quả việc các cây khoai tây đã phải sản sinh ra nhiều đường hơn để bù lại môi trường nhiều mặn. Đặc biệt hơn là muối trong môi trường được hấp thụ bởi các cây khoai tây lại bị giữ ở phần lá chứ không phải là phần thịt của củ khoai tây. Chính vì thế, người tiêu dùng có thể thoải mái sử dụng loại thực phẩm này mà không sợ bị vượt quá khẩu phần muối hấp thụ hàng ngày.

Có lẽ chính vì những đặc điểm nổi trội nêu trên mà những củ khoai tây được trồng trong môi trường nhiều mặn lại có giá trị kinh tế cao. Trung bình, mỗi kg khoai tây trồng trên đất “nhiều mặn” lại được bán với giá khoảng 5 euro so với giá bán ở mức chưa đến 1 euro cho một kg khoai tây bình thường. Người phụ trách tài chính của dự án trồng khoai tây tưới bằng nước muối tại Texel – ông Robin Konijn cho biết, trung bình mỗi ha cây trồng cho thu hoạch 30.000 kg khai tây. Con số này có thể lên tới 60.000 kg đối với những nông dân có điều kiện chăm sóc tốt.

Hiện một số nước trong đó có Ai Cập, Bangladesh và Ấn Độ đã học hỏi kinh nghiệm của nông dân Hà Lan trong việc trồng lương thực trên đất nhiều mặn. Được biết, nhóm nông dân đảo Texel cũng sẽ sớm bắt đầu dự án trồng khoai tây trên vùng đầm lầy nhiễm mặn Camargue tại miền Nam nước Pháp.

Ông Arjen de Vos – một nông dân trên cánh đồng ở Texel cho rằng, vẫn còn có nhiều tiềm năng khác mà con người chưa thể khám phá. Nếu như chúng ta có thể tìm thấy một loại cỏ thích nghi với môi trường nhiều mặn, thì điều này sẽ tạo nên sự khác biệt lớn đối với cả một sân golf rộng lớn được xây dựng ở một nước đang phát triển và sử dụng toàn bộ nguồn nước ngọt của người dân địa phương. “Đây là một sự thay đổi cuộc chơi. Chúng tôi không coi tình trạng nhiễm mặn là vấn đề mà xem đây là cơ hội (...)Thiên nhiên đã chìa sẵn bàn tay giúp đỡ. Con người chỉ là chưa nhận ra điều đó mà thôi” – ông de Vos lạc quan nói./.

Theo ĐCSVN

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG