Cách tính giá điện hiện nay đang nảy sinh nhiều tranh cãi. (Ảnh: evn.com.vn)

Ngày 16/4, Bộ Công thương ban hành văn bản chỉ đạo EVN và các đơn vị thành viên triển khai thực hiện giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong các chu kỳ sử dụng điện bắt đầu tháng 4, 5 và 6, tương ứng hóa đơn các kỳ tháng 5, 6 và 7. Với số tiền hỗ trợ dự kiến khoảng 11 nghìn tỷ đồng, khoảng 26,6 triệu hộ sử dụng điện sinh hoạt sẽ được giảm 10% giá bán lẻ điện sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc 4, và khoảng hơn hai triệu khách hàng sản xuất, kinh doanh được giảm giá 10% giá bán lẻ điện. Về lý thuyết, EVN đã góp phần cùng Chính phủ hỗ trợ người dân trong cơn bão COVID-19. Thế nhưng, dư luận vẫn đặt câu hỏi nhiều...

Bởi lẽ trong tháng 6, báo chí ghi nhận hàng loạt phản ánh của người dân về việc tiền điện tăng cao bất thường. Đã có rất nhiều lý do được EVN nêu ra, từ yếu tố thời tiết đến sự nhầm lẫn của nhân viên ghi công tơ điện... Tuy vậy, với việc giá điện của nhiều gia đình tăng gấp đôi hoặc gấp rưỡi sau đại dịch COVID-19, người dân không thể không cảm thấy sửng sốt. Đang có sự bất hợp lý trong việc tính giá điện, hay EVN đang có dấu hiệu “bù lỗ” khác chỉ đạo từ cơ quan chủ quản?

Báo cáo Thủ tướng trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 22/6, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đang chỉ đạo điện lực tại các địa phương xác minh các trường hợp có tiền điện tăng cao. Nhưng xét ở tầm vĩ mô, câu chuyện xác minh giá điện sẽ khó thể cho ra một kết quả khiến người dân tâm phục, khẩu phục. Lý do chính vẫn là những tranh cãi về biểu giá bán lẻ điện bậc thang chưa được sửa đổi!

Đầu năm 2020, Bộ Công thương đề xuất điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt ở mức 5 bậc thang, thay vì 6 bậc như hiện nay. Theo nhiều chuyên gia ngành điện, việc tính giá điện luỹ tiến 5 hay 6 bậc thang cần phải điều chỉnh để tránh tình trạng người tiêu dùng“giật mình” mỗi khi nhìn hóa đơn trong những tháng cao điểm. Theo phương án mới, khách hàng sử dụng điện dưới 700kWh/tháng sẽ trả thấp hơn, trái ngược với khách hàng sử dụng điện trên 700kWh/tháng. Tất nhiên, với các bậc mà đa số khách hàng dùng điện rơi vào, EVN cũng không thể để giá thấp mức giá bán lẻ bình quân hiện nay(1.864,44 đồng/kWh).

Dư luận cho rằng với cách tính mới có thực sự giúp người dân giảm áp lực tiền điện hay không, nhưng lúc này, cách tính cũ vẫn tạo ra hàng loạt tranh luận. Với những người tiêu dùng bình thường, cũng dễ thấy câu chuyện tính giá điện vẫn là một bài toán hơi bị rắc rối và có lúc khó hiểu, bởi những căn cứ, sự logic chưa hoàn toàn phù hợp. Còn với EVN, dù đã thông báo tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3/2019, nhưng đó chỉ là số liệu cần có giải thích với những căn cứ phù hợp thực tiễn. Điều này khó có thể giải thích cho hiện tượng hàng loạt hóa đơn tiền điện tăng khiến người dân choáng sau thời điểm giãn cách vì dịch COVID 19.

Với lợi thế về tính độc quyền phải chăng gần tuyệt đối, EVN đã và đang khiến nhiều người đặt câu hỏi về tính công khai, minh bạch. Điều này không phải là không có cơ sở, khi người dân không biết sự công khai về tài chính, cách tính giá điện, thu chi của đơn vị này thông qua một đơn vị độc lập về kiểm toán... Chưa hết, liệu có hay không việc người dân phải chịu "bù lỗ" cho các hoạt động kinh doanh khác  cũng là điều cần làm rõ...

Đã đến lúc có thay đổi thế "độc quyền" của ngành điện hay chưa, câu hỏi này người dân vẫn đang chờ các cơ quan có thẩm quyền giải đáp!