The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Tượng gỗ dân gian Tây Nguyên: Từ một góc nhìn
06/10/2016 - Lượt xem: 3192
Tượng gỗ dân gian Tây Nguyên không chỉ có tượng nhà mồ. Tượng còn dùng để trang trí tại các nhà rông, nhà ở (nhà sàn, nhà dài). Và ở từng không gian kiến trúc khác nhau, người làm tượng đã lựa chọn từng loại tượng để phù hợp với chức năng làm đẹp, làm vui cho đời sống hay phục vụ tín ngưỡng tang ma.

* (Trao đổi lại bài viết “Trả lại hồn cho tượng mồ Tây Nguyên” của tác giả Y Phương)

>>Trao đổi:Trả lại "hồn" cho tượng mồ Tây Nguyên

Là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, tôi có điều kiện tham khảo nhiều tài liệu và đi thực tế tại các buôn làng. Nhân đọc bài “Trả lại hồn cho tượng mồ Tây Nguyên” của tác giả Y Phương đăng trên Báo Gia Lai Cuối tuần ngày 24-9-2016, tôi xin trao đổi lại một số điều trong bài viết trên.

  Tượng thanh niên nhà mồ làng Đrơn, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa.       Ảnh: H.T.T.H
Tượng thanh niên nhà mồ làng Đrơn, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Ảnh: H.T.T.H

Người viết đánh giá “Tượng mồ cũng đang chịu ảnh hưởng sự phát triển của xã hội nói chung, trong đó có “những biến thể nhân danh sự “sáng tạo” khiến tượng mồ ngày càng lạc lõng trong không gian vốn dĩ của nó”. Trước hết, tôi khẳng định những người làm tượng gỗ dân gian trên khắp các buôn làng Tây Nguyên nói chung, Bahnar, Jrai của Gia Lai nói riêng đều là những “nghệ sĩ nông dân” thực thụ. Họ sáng tạo bản năng với niềm tin mình làm được tượng gỗ là do thần linh (Yàng) ban cho khả năng ấy. Họ tự học tạc tượng từ người già, người biết tạc giỏi hơn ở trong làng mình hoặc các làng khác và tùy theo nhận thức cũng như tài hoa cá nhân mà họ làm nên những tác phẩm tượng gỗ vừa có giá trị nghệ thuật vừa có giá trị tâm linh. Trong quá trình làm tượng, họ tự thể hiện sự sáng tạo của mình chứ không ai có thể can thiệp. Cùng một chủ đề nhưng tượng ở làng này khác làng kia, người này khác người kia. Một tượng có thể do 1 người hoặc một nhóm 3-5 người thực hiện.

Tượng gỗ dân gian Tây Nguyên không chỉ có tượng nhà mồ. Tượng còn dùng để trang trí tại các nhà rông, nhà ở (nhà sàn, nhà dài). Và ở từng không gian kiến trúc khác nhau, người làm tượng đã lựa chọn từng loại tượng để phù hợp với chức năng làm đẹp, làm vui cho đời sống hay phục vụ tín ngưỡng tang ma. Tác giả Y Phương nêu: “Hiện nay, tượng mồ Tây Nguyên có mặt ở khắp nơi trong nước cũng như nước ngoài… có những gia đình, quán xá to nhỏ cũng có vài ba tượng nhà mồ đánh vecni bóng nhoáng đặt thấp thoáng đâu đó cho có phong trào. Trong khung cảnh hoàn toàn không phù hợp ấy, tượng mồ trở nên xấu xí, vô hồn…”. Xin thưa, chính vì tượng gỗ có đầy đủ chức năng của một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian (chứ không chỉ bó hẹp trong khái niệm tượng mồ như nhiều người tưởng nhầm) nên nó mới được con người đem về trang trí cho môi trường sống của mình thêm phong phú. Dĩ nhiên, nhóm tượng ngồi ôm mặt buồn, tượng chống cằm, tượng ngồi khóc, tượng giao hoan, khoe sinh thực khí, bà chửa… thì ít ai trưng bày vì nhóm tượng này thường thể hiện đời sống tâm linh, tín ngưỡng nhiều hơn khía cạnh giải trí, sinh hoạt.

Và thực tế, trong các khuôn viên sân vườn của gia đình hay quán ăn, như: Bazan, Plei Tiêng, Ia Gui (Gia Lai), Công viên Đồng Xanh (Gia Lai), Khu Du lịch Sinh thái Măng Đen (Kon Tum), Ko Tam (Đak Lak), quán cà phê Eva (Kon Tum)… có trang trí tượng gỗ được rất nhiều du khách ưa thích. Những tượng này đều được tạc mới và đã thể hiện đúng chức năng giải trí, làm đẹp của mình. Sao có thể nói “sẽ đau lắm khi nhìn thấy tượng nhà mồ bị “cầm tù” nơi đây”?. Có chăng, chính chúng ta máy móc, chúng ta cầm tù tượng gỗ, rằng tượng gỗ chỉ có thể đứng ở một không gian bất di bất dịch là nhà mồ mà thôi.

Y Phương thấy tượng mồ đang thay đổi trong từng nét chạm khắc tỉ mỉ, chi tiết, được sơn đủ màu, tác giả “ngỡ đó là đoàn rối nước từ đồng bằng lên biểu diễn”. Tôi đành nhắc lại, mỗi bức tượng là sự sáng tạo của mỗi nghệ nhân. Các nét chạm khắc của người này không thể giống người kia, người sau không thể giống người trước. Được tiếp xúc nhiều với nghệ nhân nên tôi rất dễ  nhận ra tượng của vùng Ayun Pa hay Chư Pah, tượng vùng Kbang hay Krông Pa. Tượng của nghệ nhân Brôh hay Mít... Còn tượng đẹp, có hồn hay không là do tài năng, trình độ của mỗi nghệ nhân nữa. Việc tượng được tô màu cũng là đặc điểm bình thường của từng vùng miền. Vùng thì nghệ nhân để tượng thô mộc màu gỗ nguyên sơ, như (Pleiku, Chư Pah, Đức Cơ); vùng lại bôi màu, tô sơn cho đẹp (Krông Pa, Ia Pa, Chư  Prông). Trước kia, đồng bào đã dùng các loại lá, vỏ cây để tạo màu sắc trang trí cho đồ dùng của mình, như nhuộm chỉ để dệt vải, trang trí nhà mồ. Có lẽ, tác giả chưa trải qua thực tế nên thấy lạ lẫm trước nét văn hóa cổ truyền này chăng?

Những năm gần đây, nhiều nơi đã “bảo tồn, phát huy” nghề tạc tượng bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc thi tạc tượng. Tôi có may mắn được tham dự nhiều cuộc, nhất là trong những ngày tổ chức lễ hội văn hóa. Trong đó, Nhà nước cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất (gỗ, dụng cụ) để nghệ nhân phát huy hết khả năng, tay nghề của mình. Những nghệ nhân giỏi có thể chỉ dẫn đôi chút cách đục đẽo sao cho đường nét tinh tế hơn, cách vạc sao cho tạo ra đường nét, hình khối đẹp hơn, phù hợp hơn với dáng hình khúc gỗ. Còn “chỉ đạo”, “sắp đặt” cụ thể của một cá nhân này với một cá nhân khác, chắc chắn là việc không ai làm và cũng không làm được.

Muốn giữ gìn di sản văn hóa dân tộc, chúng ta vừa có biện pháp bảo tồn vừa tìm mọi điều kiện cho nó tồn tại trong sự vận động và phát triển chung của xã hội.

Theo Báo Gia Lai

(Bấm vào đây để nhận mã)

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG