The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Trang phục truyền thống của dân tộc Jrai và Bahnar: Điều gì làm nên sự khác biệt?
12/12/2016 - Lượt xem: 8066
Trang phục là một nhu cầu vật chất quan trọng trong đời sống của con người nói chung và của 2 dân tộc bản địa Gia Lai nói riêng, giúp nhận biết nền văn hóa, môi trường, quan trọng hơn cả là phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác.

Trang phục truyền thống của người Jrai, Bahnar ở Gia Lai có nhiều nét tương đồng từ khâu sản xuất nguyên liệu, phương thức làm ra vải mặc. Y phục truyền thống được làm bằng chất liệu thổ cẩm do người phụ nữ tự dệt, gồm áo, váy dành cho nữ; khố dành cho nam; ngoài ra còn có một số vật dụng đi kèm như tấm choàng, khăn đội đầu, đồ trang sức của phụ nữ như hoa tai, vòng cổ, vòng tay.

Dù vậy, trên thực tế nhiều người đang sinh sống trên địa bàn Gia Lai vẫn chưa phân biệt được sự khác nhau giữa trang phục Jrai, Bahnar.

 

Trang phục truyền thống của đàn ông Jrai và phụ nữ Bahnar. Ảnh: K.N.B
Trang phục truyền thống của đàn ông Jrai. Ảnh: K.N.B

Mạnh mẽ, nổi bật...

Đó là điều có thể nhận thấy ngay khi nhìn vào những bộ trang phục truyền thống Jrai. Về áo nữ Jrai, có thể dễ dàng phân biệt bởi phần cổ và ngực có hoa văn nhỏ được chạy theo chiều ngang từ 2 đến 3 hàng, hoa văn cũng được thể hiện ở phần gấu tay áo và gấu áo với chiều cao khoảng 5-6 cm. Màu sắc gồm có 5 màu: đen, đỏ, vàng, xanh, trắng. Về cách mặc, phụ nữ Jrai mặc áo tay dài xỏ tay bình thường.

Trong khi đó, váy của phụ nữ Jrai thường dài đến bàn chân, khổ rộng hơn 1 mét và dài khoảng 1,4 mét, có đường viền hoa văn chạy vòng quanh gấu váy, đặc biệt là những tua chỉ có đính hạt cây Tơr peng (một loại cây mọc bên suối hoặc bên bờ ruộng, gần giống cây sậy, hạt hình bầu dục, ngả màu đen bóng khi đã già) theo chiều dài của một bên mép vải, khi mặc phần trang trí này nằm ở một bên hông của người mặc.

Về áo nam, dễ nhận biết ở loại trang phục này là màu sắc sặc sỡ, hoa văn chạy dọc thân áo, có dây buộc vào nhau thay cho cúc áo trước ngực, có tua rua và hoa văn bản lớn ở gấu áo; gấu áo phía trước và phía sau bằng nhau, tay ngắn. Loại này thường thấy ở huyện Chư Pah và TP. Pleiku. Ở khu vực huyện Krông Pa, Ia Pa, áo nam thường là tay dài, trước ngực thường có miếng đắp màu đỏ và xẻ cổ, được các nghệ nhân khéo léo kết vải thay cho dãy cúc sát nhau, gấu áo phía trước ngắn hơn gấu áo phía sau và có tua rua. Áo nam Jrai có kích thước dài rộng hơn so với người mặc.

Về khố nam Jrai, chiều dài của khố dài khoảng hơn 6 mét, chiều rộng khoảng 30 cm, 2 đầu khố có tua rua và trang trí hoa văn rất đẹp, hoa văn bản to chủ yếu là màu đỏ, đen chạy suốt theo chiều dài của khố.

...Và duyên dáng

 

Ảnh: K.N.B
Phụ nữ Bahnar

Áo nữ của dân tộc Bahnar cũng rất được chăm chút về hoa văn, chủ yếu được thể hiện theo chiều ngang từ phần dưới ngực cho đến hết chiều dài của áo với chiều cao khoảng 12-15 cm. Màu sắc chủ đạo là màu chàm phối cùng các màu trắng, đỏ, vàng. Phụ nữ Bahnar mặc áo dài tay nhưng ống tay áo thường buông thõng từ vai xuống trông rất duyên dáng, làm nên một trong những đặc điểm dễ nhận biết của trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Bahnar.

Không dài như váy của các cô gái Jrai, váy của phụ nữ Bahnar thường ngắn trên mắt cá chân khoảng 15 cm. Váy là một tấm vải dệt từ sợi bông có màu đen hoặc xanh chàm, có miếng đắp dệt hoa văn nằm ở phần mông và 2 miếng vải nhỏ bên hông được trang trí bằng hoa văn rất duyên dáng và lạ mắt, tạo sự khác biệt so với tất cả các loại váy của các dân tộc Tây Nguyên. Đây cũng là một trong những sự khác biệt đầy ấn tượng khi khách phương xa tình cờ bắt gặp phụ nữ Bahnar trong trang phục truyền thống.

Trong khi trang phục truyền thống của phụ nữ Bahnar có vẻ cầu kỳ và được chăm chút hơn trang phục của phụ nữ Jrai, thì trang phục nam của dân tộc này lại giản dị hơn so với nam Jrai. Áo nam Bahnar đa số là loại áo cộc tay, có màu đen hoặc màu chàm, không có khuy, cổ xẻ hình trái tim để lộ ngực. Phổ biến có 2 loại áo, một là áo trơn không có hoa văn, chỉ có một vài sợi chỉ đỏ viền xung quanh cổ áo, gấu áo, thêm đường sọc trắng dọc hai bên hông áo; hoặc có trang trí đường hoa văn dọc hai bên hông áo và gấu áo. Thường thì kích cỡ của áo nam Bahnar ôm sát người, phía trước hay hở bụng.

Về khố người Bahnar, kích cỡ của khố dài khoảng hơn 4 mét, chiều rộng khoảng 20 cm. Khác với khố của nam Jrai, 2 đầu khố của người Bahnar không có tua rua, trong trang trí hoa văn chỉ có hoa nhỏ chạy suốt hai bên và ở giữa theo chiều dài của khố.

Có thể thấy, với tính chất thực dụng, trang phục là một sản phẩm, nhưng dưới góc độ thẩm mỹ, nó là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện lối sống, sinh hoạt cũng như những giá trị văn hóa riêng biệt được hình thành qua các thời kỳ lịch sử phát triển lâu đời của mỗi dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên.

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG