The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Nhớ Đội Văn công xung kích B3
12/06/2017 - Lượt xem: 3875
Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (Mặt trận B3) thời đánh Mỹ gồm nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc được rải ra đứng chân trên một địa bàn rộng, trải dài từ vùng ngã ba tam biên thuộc các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) đến các huyện Ia Grai, Đức Cơ (tỉnh Gia Lai).

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp-nguyên Chính ủy Mặt trận, viết trong hồi ký Ký ức Tây Nguyên của mình (lược trích): “Cuối năm 1966 cơ quan chính trị chúng tôi đề xuất với Bộ Tư lệnh Mặt trận tổ chức đại hội mừng công lần thứ nhất cho lực lượng vũ trang Tây Nguyên… Chúng tôi muốn tạo ra một không khí thật sôi nổi vui tươi. Thời gian này ở miền Bắc có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, còn ở Tây Nguyên bom đạn Mỹ trút xuống ngày đêm mà bộ đội nằm la liệt vì sốt rét. Như vậy càng cần đến tiếng đàn, tiếng hát. Tiếng hát ở đây không chỉ “át tiếng bom” mà còn “át cả khó khăn gian khổ”!... Bàn đi tính lại, chúng tôi quyết định tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng, qua đó mà chọn nhân tài…”.
 

Đại tá, Thạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Rơ Chăm Phiang (bên phải).     Ảnh: Bích Hà
Đại tá, Thạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Rơ Chăm Phiang (bên phải). 

Vậy là Đội Văn công xung kích B3 ra đời vào tháng 3-1967, do Thượng úy Vũ Sắc-Chính trị viên C18 thuộc F88 làm Đội trưởng và Đội phó là Trung úy Thanh Phát-cán bộ thuộc E324. Lực lượng nòng cốt lúc ban đầu là các “nhân tài” ở Sư đoàn 1, Viện Quân y 211, các đơn vị tác chiến, các đơn vị hậu cần của Mặt trận, các đội Tuyên văn… gồm các chính trị viên, y tá, hộ lý, chiến sĩ… Tất cả đều là “nghệ sĩ… tay ngang”! Lúc ban đầu, Đội chỉ có 2 cây đàn mandolin và 1 chiếc accordion! Thế nhưng Đội Văn nghệ xung kích B3 đã “làm nên lịch sử” giữa thời kỳ vô cùng ác liệt.

Đội gồm các tổ: ca, múa, kịch, sáng tác… Do vậy, ngoài việc biểu diễn những tác phẩm có sẵn, Đội còn có riêng nhiều tác phẩm do thành viên sáng tác. Lúc vừa thành lập, trong một buổi biểu diễn, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh (nguyên Chủ nhiệm Báo Văn nghệ Quân Giải phóng) trên đường vào chiến trường Đông Nam bộ tình cờ có mặt liền viết tặng cho Đội bài thơ “Chiều liên hoan”. Bài thơ đã ký họa đúng thực tế và tinh thần của Đội. Về thực tế thì: “Chặt bương làm ống/ Gọt gỗ làm đàn/ Đục lon làm nhị/ Mở chiều liên hoan/ Ôi, đội văn nghệ/ Giữa đất Tây Nguyên/ Không son không phấn/ Mà đẹp mà duyên/ Bệnh viện gửi về/ Dăm cô hộ lý/ Đơn vị đưa lên/ Mấy anh chiến sĩ/ Lấy chuyện đời mình/ Phổ trong khúc nhạc/ Đem cả nhiệt tình/ Gửi vào tiếng hát…”. Còn về tinh thần thì: “Chúng ta đã từng/ Măng giang thay bữa…/ Mà trong khói bom/ Mà trong khói súng/ Ta lên dây đàn/ Ta so tiếng trúc/ Cho đêm liên hoan/ Niềm vui rạo rực/ Dẫu cho giọng hát/ Lạc nhịp sai cung/ Sá gì việc ấy/ Vui này vui chung…”!

Sự tâm huyết nghề nghiệp và tinh thần phục vụ của Đội đã được nhiều truyện ký, hồi ký ghi lại. Ví dụ có lần ca sĩ Thanh Lịch đang hát ca khúc “Xuân chiến khu” của nhạc sĩ Xuân Hồng, vừa lúc ấy máy bay Mỹ đến oanh tạc địa điểm gần đó, nhưng cô ca sĩ vẫn bình tĩnh hát đến hết bài, do vậy anh em chiến sĩ có câu: “Trên trời phản lực ầm ầm/ Dưới đất Thanh Lịch vẫn “gầm” chiến khu”!

Thời gian sau, Đội được bổ sung thêm một số diễn viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ, như A Nây Nhoan-dân tộc Bahnar ở Gia Lai (cháu gọi Anh hùng Núp bằng bác); Y Mau-dân tộc Xê Đăng ở Kon Tum… Y Mau mang theo về Đội bộ giàn đàn klông-pút đầu tiên, biểu diễn làm ngơ ngẩn người thưởng ngoạn. Mỗi khi hòa tấu, đàn klông-pút được dùng để thay cho thang âm trầm của đàn contrabass! Lần đầu tiên thấy và nghe đàn klông-pút đã khiến chàng ca sĩ-nhà thơ Nguyễn Duy Nhiệm (Đội trưởng Đội Ca hát) có bài thơ “Điều kỳ diệu”, đề tặng Y Mau: “Em gái Xê Đăng giết giặc, làm nương/ Chẳng có thời gian quen chương vật lý/ Đôi bàn tay em-bàn tay chiến sĩ/ Lại gọi gió cười qua nứa hóa âm thanh/  Đôi bàn tay em là của rừng xanh/ Duyên dáng dịu dàng như cành lá biếc/ Năm ngón tay em mang hình khuôn nhạc/ Để âm thanh đẹp như tiếng nói em/ Lần đầu tiên anh qua đất Tây Nguyên/ Ngỡ ngàng quá-gặp âm thanh kỳ diệu/ Và hôm nay, thời gian cho anh hiểu/ Đôi bàn tay em: Nôi âm thanh quê hương…/ Diệu kỳ thay đôi bàn tay xinh xinh…”.

Trong một bài hồi ức, Đội trưởng Nguyễn Duy Nhiệm kể rằng: Năm 1974, qua Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cu Ba… biểu diễn, khi giọng hát opera cao như thông vút của Rơ Chăm Phiang (Pheng) cất lên quyện với dòng thanh âm klông-pút của Y Mau vỗ đệm, khán giả nước ngoài ngẩn ngơ, cho là có bùa phép gì đây mà lạ mà hay đến thế; họ đề nghị được lên tận sân khấu quan sát cụ thể cách vỗ đàn klông-pút của Y Mau thì mới tin rằng dòng âm thanh kia có được chỉ bằng đôi bàn tay vỗ nhẹ kề bên ngoài miệng ống nứa!

Năm 1972, Quân khu Việt Bắc gửi vào bổ sung cho Đội Văn công xung kích B3 hơn chục văn nghệ sĩ quê ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Tuyên, Bắc Thái… Lúc này cũng đã có tay accordion Phan Hồng Hà (con trai nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu), vợ chồng nhạc sĩ Doãn Nho, Nguyệt Ánh… Mãi đến năm 1974, Rơ Chăm Phiang mới chuyển về. Cô ca sĩ người dân tộc Tây Nguyên “chính hiệu” có “tiếng hát trong như nước Cam Tuyền/ Êm như hơi gió thoảng cung tiên/ Cao như thông vút, buồn như liễu/ Nước lặng, mây ngừng… ta đứng yên!” (thơ Thế Lữ) này là thành viên trẻ nhất đoàn, đã hút hồn bao người, nhất là khi cô hát bài “Bóng cây kơ-nia”!

Tinh thần phục vụ hăng say quên mình trong hoàn cảnh đạn bom ác liệt, sốt rét kinh hoàng, thiếu thốn triền miên… của Đội Văn công xung kích B3 giữa đại ngàn Tây Nguyên được thành viên Nguyễn Duy Nhiệm cảm khái trong một bài thơ dài nói về đơn vị mình, có những câu thơ se thắt lòng người: “Hát xong bài, anh vào võng nằm rên/… Bỗng rùng mình gục xuống, mắt hoa lên…”! Hoặc, đáng thương hơn là “thân phận” của chị em diễn viên nữ: “Rụng hết tóc, em được về với mẹ/ Một mình anh xanh bủng giữa rừng già”!...

Ngày 19-4-1974, Đội được ra Hà Nội để củng cố tổ chức, tuyển thêm diễn viên, nâng cao nghiệp vụ… Lúc này, Đội được gọi là Đoàn Văn công Quân Giải phóng Tây Nguyên. Tháng 6-1975, Đoàn vào Đà Nẵng bổ sung cho Đoàn Ca múa Quân khu 5. Lúc này đã hết chiến tranh, một số được giải quyết chính sách trở về, một số ra Hà Nội học tiếp và công tác… Nay, đã nửa thế kỷ qua, ai còn ai mất, bỗng dưng lại  nhớ “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ”?

Theo GLO

(Bấm vào đây để nhận mã)

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG