Bồi thường vụ Formosa: Phải đúng quy định, công khai, minh bạch
Trước quan tâm của báo chí về công tác bồi thường thiệt hại trong vụ Formosa, bao giờ người dân thiệt hại tiếp cận được tiền bồi thường?, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn( NN&PTNT) Vũ Văn Tám cho hay:
"Bộ NN&PTNT theo phân công đã tích cực cùng các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn kê khai thiệt hại, tính toán bồi thường, hỗ trợ cho người dân, tổ chức bị thiệt hại trực tiếp, gián tiếp”.
Bộ đã tham khảo ý kiến các bên và kiểm tra thực tế ở cơ sở. Theo đó, các tỉnh nhất trí cao với hướng dẫn, nhưng việc tập huấn cho người dân và tổ chức bị thiệt hại, do liên quan nhiều biểu mẫu kê khai, nên thời hạn tổng hợp thiệt hại để phân bổ là không kịp thời hạn 10/9. Các địa phương đề nghị kéo dài đến 15/9.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đồng ý việc lùi thời gian thêm 5 ngày, giao Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tất cả các kiến nghị đề xuất liên quan đến thiệt hại của địa phương, làm sao đến tuần cuối tháng 9 là Thủ tướng có thể ký quyết định phân bổ kinh phí bồi thường đến các địa phương. Sau đó các địa phương sẽ tiếp tục bồi thường trực tiếp đến người dân và tổ chức bị thiệt hại.
Tuy nhiên, Thứ trưởng chỉ ra có nhiều việc liên quan đến định mức, đơn giá, tính toán để áp giá..., là quy trình bắt buộc và nhiều thủ tục.
"Vấn đề không phải là nhanh hay chậm mà là những người dân, tổ chức bị thiệt hại phải được xác định không sót ai, bồi thường đúng quy định, công khai, minh bạch", Thứ trưởng khẳng định.
Liên quan đến vấn đề 4 ngàn tấn hải sản đông lạnh tồn đọng ở các tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ NN&PTNT ban hành hướng dẫn cho 4 tỉnh, với nguyên tắc là đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu, theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Đánh giá đây là một việc khó khăn, mất nhiều thời gian, Thứ trưởng thông tin: Các địa phương phải phân lô các kho cá, Bộ Y tế sẽ lấy mẫu tất cả các lô, chuyển về 2 phòng xét nghiệm Trung ương của Bộ, chỉ cho lưu hành lô nào được xác nhận là an toàn. Không an toàn thì phải tiêu hủy và đền bù theo quy định"...
Về xử lý sai phạm tại công trình 8B Lê Trực (Hà Nội), Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết đến nay đã cơ bản phá dỡ xong toàn bộ sàn tầng 19 (giai đoạn 1). Trước ngày 30/9 sẽ hoàn thành phương án phá dỡ giai đoạn 2 trình thẩm định. UBND TP Hà Nội đã giao Chủ tịch UBND quận Ba Đình trực tiếp chỉ đạo công tác cưỡng chế và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý công trình vi phạm. “Sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 351 ngày 2/11/2015 đến nay, UBND TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp cương quyết xử lý vụ việc vi phạm trật tự đô thị tại công trình số 8B Lê Trực”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói. |