The request was aborted: Could not create SSL/TLS secure channel. Chính phủ kiến tạo không làm thay dân mà giúp dân hiện thực ước mơ
23/09/2016 - Lượt xem: 1913
Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, Chính phủ kiến tạo phát triển thì không làm thay dân, mà tạo mọi điều kiện để người dân mưu cầu hạnh phúc.

 Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ được kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính. Chính phủ kiến tạo được xem là nhiệm vụ đặt ra đối với yêu cầu tình hình mới. Chính phủ kiến tạo là gì? Để xây dựng Chính phủ kiến tạo cần bắt đầu từ đâu? Phóng viên VOV.VN phỏng vấn TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về vấn đề này.

 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Chính phủ kiến tạo phát triển không làm thay dân

 

PV: Trong các phiên họp gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhấn mạnh đến việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính”. Theo ông, khái niệm “Chính phủ kiến tạo” cần được hiểu như thế nào?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Về mặt khái niệm, Chính phủ kiến tạo phát triển là Chính phủ tạo mọi điều kiện để sự phát triển có thể xảy ra. Chính phủ kiến tạo phát triển thì không làm thay dân, mà tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể làm ăn dễ dàng, có thể vươn lên thực hiện các ước mơ, hoài bão của mình. Khi người dân có điều kiện để mưu cầu hạnh phúc, vươn lên thực hiện mọi ước mơ, cũng như có năng lực làm chủ cuộc sống, phát triển kinh tế, có năng lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp thì đó là sự phát triển. Sự phát triển đó là quan trọng nhất, thực chất nhất và bền vững nhất.

Điều quan trọng là Chính phủ phải xây dựng cho được những khuôn khổ thể chế cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng hơn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; các cam kết hợp đồng phải được tôn trọng và Nhà nước bảo đảm sự tôn trọng đó; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả; cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh tế, cũng như mọi hoạt động khác phải được bảo đảm.

Một điều kiện quan trọng khác là bộ máy phải hiệu năng, giúp tạo ra những điều nói trên và bản thân bộ máy không tham nhũng.

Một Chính phủ kiến tạo phát triển phải là một Chính phủ tuân thủ pháp quyền. Chính phủ phải bị pháp luật ràng buộc trước tiên chứ không phải là người dân. Người dân được làm những gì pháp luật không cấm, nhưng các cơ quan của Chính phủ chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Và có những nguyên tắc pháp lý không thể vượt qua đối với Chính phủ.

Từ việc xây dựng dự án, đề ra chính sách đến việc thực thi pháp luật, quan chức đều cần bảo đảm một cách chắc chắn rằng, pháp luật cho phép họ làm như vậy. Trước khi hành động, mọi cơ quan công quyền, mọi công chức thực thi công vụ đều phải chỉ ra được điều luật cho phép họ hành động. Việc áp dụng các chế tài của pháp luật nặng với dân, mà nhẹ với quan là không thể chấp nhận được.

Một điều kiện nữa, một Chính phủ kiến tạo phát triển là một Chính phủ mà các quyết sách, chính sách, pháp luật ban hành phải minh bạch và chịu trách nhiệm giải trình trước nhân dân. Đó là các điều kiện tối thiểu để trở thành Chính phủ kiến tạo.

PV: Như người đứng đầu Chính phủ đã nói “con đường dài nhất Việt Nam là từ lời nói đến hành động”, nói hay, nói giỏi nhưng không được làm và không làm được chủ yếu vẫn do chất lượng đội ngũ công chức hành chính - những người thiết kế, thực thi chính sách cho quốc gia, thưa ông?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Có một thực tế là nói dễ, nhưng làm không dễ. Muốn cắt giảm khoảng cách giữa lời nói và hành động, trước hết, chúng ta cần nói ít thôi, đồng thời cũng chỉ nên nói những việc có thể làm được.

Ngoài ra, xác lập chế độ trách nhiệm đối với lời nói cũng rất quan trọng. Một quan chức đã hứa mà không làm sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan đại diện cho dân và trước dân.

Xây dựng một nền hành chính- công vụ hiệu năng cũng rất quan trọng. Cuối cùng thì nhiệm vụ của các chính khách là đề ra chính sách, nhưng thực thi chính sách lại là nhiệm vụ của bộ máy hành chính-công vụ.

Lợi ích nhóm luôn tồn tại

PV: Có ý kiến cho rằng, cho dù là trách nhiệm tập thể hay trách nhiệm cá nhân thì suy đến cùng cũng là do lỗi của hệ thống chính sách tạo lỗ hổng cho lợi ích nhóm chi phối. Ông có bình luận gì về ý kiến này?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết, lợi ích nhóm muôn đời tồn tại, không ở đâu không có lợi ích nhóm. Vấn đề là không thể hy sinh lợi ích của dân tộc hay của nhóm lớn hơn cho nhóm bé hơn, nhóm đặc quyền, đặc lợi.

Ví dụ phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đại diện cho các doanh nghiệp, luôn luôn “đấu” để lương tối thiểu thấp; công đoàn đại diện cho người lao động, luôn luôn “đấu” để lương tối thiểu cao. Vấn đề không phải là loại bỏ lợi ích nhóm ở đây, mà là làm sao hài hòa được lợi ích giữa hai nhóm này. Tìm ra được khuôn khổ thể chế để họ có thể đàm phán, thương lượng với nhau để bảo đảm sự hài hòa về lợi ích mới là quan trọng.

Lợi ích nhóm theo nghĩa xấu có nghĩa hy sinh lợi ích của quốc gia, dân tộc, của số đông cho nhóm nhỏ đặc quyền đặc lợi. Để vượt qua lợi ích nhóm phải công khai hóa quá trình ban hành quyết định, thông tin đầu vào phải khách quan và phải được điều chỉnh. Thứ hai, tất cả mọi quyết định đều phải chịu trách nhiệm giải trình và phải giải trình được. Nếu không giải trình được thì phải chịu trách nhiệm. Thứ ba, mọi hoạt động tác động đến chính sách đều phải được điều chỉnh và công khai hóa chứ không thể “đi đêm”.

PV: Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp đột phá gì trong cải cách hành chính để thực sự xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển? 

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Chúng ta phải có những giải pháp nằm ở khâu thiết kế hệ thống. Xây dựng Chính phủ kiến tạo phải xác lập rất rõ Chính phủ làm việc gì, người dân, xã hội làm việc gì. Chính phủ không thể ôm đồm làm tất cả, mà phải để người dân làm phần lớn các công việc. Chuyển từ mô hình quản lý toàn diện sang mô hình kiến tạo đó là việc đầu tiên phải làm.

Để cải cách hành chính phải có sự phân công lao động rất rõ trong quản trị quốc gia. Bộ máy hành chính công vụ phải chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, không để lẫn lộn sang chính trị. Đó phải là những người được đưa lên bằng trình độ chuyên môn và theo khả năng hoàn thành nhiệm vụ và thành tích hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời phải áp dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số để tự động hóa hầu hết các quy trình.

Mọi cải cách hành chính không thể thiếu đạo đức công vụ. Bất cứ một quy định nào của pháp luật mà không có đạo đức đi kèm thì đều có thể bị thao túng.

PV: Để quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân, theo ông chúng ta cần lưu tâm thực hiện thêm điều gì?

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Trước hết cần phải hiểu thế nào là Chính phủ kiến tạo, phải làm rất rõ khái niệm. Sau khi rõ khái niệm, phải làm rõ nội hàm xây dựng Chính phủ kiến tạo nghĩa là làm gì. Thứ hai phải tiến hành cải cách thể chế, pháp luật. Nếu vẫn tồn tại tư duy bao cấp, tư duy thích quản lý thì sẽ rất khó. Thứ ba, một Chính phủ kiến tạo không thể thiếu một nền đạo đức công vụ, nghĩa là không thể thiếu sự liêm chính.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Theo VOV

(Bấm vào đây để nhận mã)

Tin liên quan

60 năm chiến thắng điện biên phủ

Ảnh Xem tất cả >>

Video

Kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Thông qua 14 nghị quyết quan trọng

Công an Gia Lai: Hỗ trợ công dân các tỉnh đi xe máy từ vùng dịch về

Những chuyến xe nặng nghĩa tình

Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Gia Lai bầu các chức danh chủ chốt của HĐND và UBND tỉnh

Nông dân "bắt nhịp" nông nghiệp-dịch vụ

Tỷ giá - Thời tiết

Chọn thành phố

Liên kết website

Biển Hồ  Biển Hồ
Quản lý văn bản Văn phòng Tỉnh ủy
BlueZone
Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2016
LÊN ĐẦU TRANG