10 chiến sĩ nữ trước giờ lên đường làm nhiệm vụ. (Ảnh: V.Lê).

Nỗ lực hết mình vì sứ mệnh cao cả

Ngày 1/10, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã chính thức xuất quân lên đường để làm nhiệm vụ cao cả - tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng.

Chia sẻ trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới, sĩ quan Nguyễn Thông Phán cho biết, anh đã tham gia vào Bệnh viện dã chiến này ngay từ những ngày đầu cách đây 4 năm nhưng hoàn toàn giấu gia đình và chỉ mới nói với gia đình 1 năm nay để mọi người chuẩn bị tinh thần, sắp xếp mọi việc ở nhà cho phù hợp. Bởi lẽ, nói sớm quá sợ người ở nhà thêm lo lắng vì nhiều khi gia đình cũng không hiểu hết công việc cụ thể của mình. Anh nói: “Đã là người chiến sĩ thì không nề hà bất kỳ nhiệm vụ gì mà luôn luôn trong tư thế sẵn sàng ở mức độ cao nhất”.

Khi tham gia vào chương trình này, bản thân anh đang làm nghiên cứu sinh nhưng phải gác lại. Hơn nữa, vợ anh mới sinh đứa con đầu lòng được 5 tháng và chắc chắn thời gian tới sẽ đối mặt với những khó khăn, vất vả khi xa chồng. Tuy nhiên, cả gia đình luôn động viên anh vững tin, yên tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao vì ở nhà đã có hai bên nội, ngoại hỗ trợ.

Đang chia sẻ câu chuyện về bản thân, anh quay sang nói về đồng đội bên cạnh: “Anh này còn có hai đứa con nhỏ, vợ con anh ấy ở nhà sẽ vất vả rất nhiều”. Anh bên cạnh đáp lại: “Vợ tôi nói cứ yên tâm công tác, mọi việc ở nhà sẽ đâu vào đó hết …”. Rồi những câu bông đùa đầy chất lính, những tiếng cười giòn tan, khiến cho không khí thật vui vẻ.

Anh Phán nói thêm: “Chúng tôi là đàn ông, đi xa nhà hay đứng trước bất kỳ khó khăn nào thì chắc chắn cũng sẽ vượt qua dễ dàng hơn phụ nữ. Trong đội có 10 chiến sĩ nữ, họ mới là những người hi sinh nhiều nhất. Họ quá tuyệt vời bởi để tham gia huấn luyện thôi cũng là cả vấn đề, chứ chưa nói là sang Nam Xu-đăng 1 năm với bao khó khăn đang ở phía trước”.

Các nữ bác sĩ "mũ nồi xanh" trong tà áo dài màu thiên thanh in hình trống đồng,
hoa sen, chim hạc mang theo làm nhiệm vụ quốc tế của Liên hợp quốc. (Ảnh: Nguyễn Trung Trực)

Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Quả đúng là như vậy! Mỗi chị em phụ nữ khi tham gia vào Bệnh viện dã chiến cấp 2 này có lẽ đã phải hi sinh rất nhiều, nhưng với họ, đó cũng là vinh dự, đồng thời là thử thách và sự trải nghiệm lớn trong cuộc đời.

Nữ quân y trẻ tuổi nhất đội, Thiếu úy chuyên nghiệp Phạm Thị Thùy (25 tuổi, thuộc đơn vị Bệnh viện Quân y 175, quê ở Nam Định), với dáng người nhỏ nhắn nhưng ở Thùy luôn toát lên sức mạnh, nhiệt huyết tuổi trẻ. Thùy chia sẻ, mới tham gia vào Bệnh viện này được 1 năm nhưng nhờ có sự giúp đỡ của Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 và sự tận tình chỉ bảo của anh chị em trong đội, các anh chị em coi nhau như một gia đình, nên Thùy cũng nhanh chóng bắt kịp chương trình. Tuy nhiên, để đáp ứng các tiêu chuẩn của Liên Hợp quốc và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, bản thân Thùy xác định sẽ tăng cường học tập hơn nữa.

Cô gái trẻ cho biết, khi chia sẻ quyết định với bố mẹ, mặc dù lo lắng cho con gái song bố mẹ Thùy cũng rất ủng hộ và nói đó cũng là niềm tự hào của gia đình cô. “Bố mẹ nói sẽ luôn là hậu phương vững chắc cho em yên tâm lên đường hoàn thành nhiệm vụ”, Thùy chia sẻ.

Trước giờ lên đường, Thùy cho biết, pha lẫn giữa cảm xúc hồi hộp, háo hức là tâm trạng lo lắng cho bố mẹ ở nhà. “Nhà em có 3 anh em, nhưng anh trai và em gái đều đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, chỉ có bố mẹ em đang ở quê. Bố em sức khỏe cũng không tốt lắm. Hôm vừa rồi có buổi gặp mặt người thân, nhà em cũng không ai vào được. Do đó, đi xa lần này em chỉ lo cho sức khỏe của bố mẹ ở nhà”.

Một thoáng suy tư, cô gái trẻ lại nở nụ cười tươi và khẳng định: “Được tham gia vào Bệnh viện dã chiến sang Nam Xu-đăng sẽ là dấu ấn đặc biệt, sâu sắc trong cuộc đời em, nhất là những tháng năm tuổi trẻ. Em sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Đại úy Nguyễn Phương Thảo đã có quyết định trong 1 giờ đồng hồ. (Ảnh:V.Lê)

Mỗi chiến sỹ có một hoàn cảnh khác nhau, ở mỗi người là một câu chuyện đầy thú vị. Khi tham gia vào Bệnh viện này, họ không chỉ là đồng đội của nhau mà đã trở thành như anh em ruột thịt trong một gia đình. Có lẽ tình cảm ấy cũng làm ấm lòng những người phải xa gia đình để đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả này.

Đại úy Nguyễn Thị Phương Thảo (Bác sĩ sản phụ khoa Bệnh viện quân đoàn 4) nhớ lại, cách đây hơn 1 năm, chị có hơn 1 tiếng đồng hồ để đưa ra quyết định tham gia hay không tham gia vào Bệnh viện dã chiến cấp 2. Chị kể, hôm đó, khi được phân công nhiệm vụ, chị liền gọi về cho chồng, anh nói phải suy nghĩ thêm rồi tắt máy. “Tôi gọi lại rồi mô tả cho anh những công việc sẽ làm, ý nghĩa của nhiệm vụ.... Một giờ sau, anh gọi lại nói đồng ý. Tôi bước vào khóa huấn luyện. Tôi tự nhủ, sao đồng đội đi mà mình ở nhà được. Nói vậy nhưng tôi cũng hồi hộp lắm, chuyên môn, ngoại ngữ đã chuẩn bị, được tập huấn rất nhiều về các nghiệp vụ đảm bảo sức khỏe cho nhân viên của Liên hợp quốc nhưng đó là nhiệm vụ không phải đơn giản”, chị Thảo cho biết.

Chị Thảo hiện có một bé trai 4 tuổi. Khi mẹ đi làm nhiệm vụ ở Nam Xu-đăng, bé ở nhà với bố và có bà ngoại phụ giúp. Chị cũng đã chia sẻ với con nhưng do con còn nhỏ quá, hơn nữa là con trai nên hiếu động, bé cũng chỉ biết mẹ đi công tác chứ không mường tượng ra là khoảng thời gian bao lâu. Hơn nữa, từ trước tới giờ chị vẫn thường xuyên đi trực, đi công tác xa nhà và bé vẫn ở nhà với bố và bà rất ngoan. Điều đó khiến chị yên tâm hơn rất nhiều, mặc dù biết rằng sẽ rất nhớ con và gia đình.

“Mình rất háo hức với nhiệm vụ này. Nó giúp mình có thêm trải nghiệm và trong cuộc đời cũng nên có những trải nghiệm như vậy”, chị Thảo vui vẻ nói.

Không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là những sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa

Chị Bùi Thị Xoa động viên chồng ở nhà yên tâm công tác và chăm sóc con chu đáo. (Ảnh:V.Lê)

Trong 10 “bóng hồng” đi làm nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng lần này, có một người được các em trong đội tin yêu gọi là chị cả - đó là Thiếu tá Bùi Thị Xoa (sinh 1975, bác sĩ Nha khoa tại Bệnh viện Quân y 7B).

Chị kể, lúc mới tham gia chị tưởng mình không đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ bởi các chương trình huấn luyện và những tiêu chuẩn khắt khe của Liên hợp quốc không hề đơn giản so với độ tuổi của chị. Những chuỗi ngày vất vả rồi cũng qua, cả đội ai cũng quyết tâm cao độ, mong chờ tới ngày chính thức lên đường tham gia nhiệm vụ.

Chị chia sẻ, thời gian đầu mới tham gia, mặc dù ở bệnh viện có bố trí chỗ ở cho cả đội nhưng mỗi ngày chị phải chạy xe máy từ TP Biên Hòa (Đồng Nai) lên Bệnh viện Quân y 175 để tập luyện vì chị lo việc học hành của cậu con trai đang tuổi lớn, không được lơ là. Không yên tâm để vợ đi lại hàng ngày quá xa, chồng chị đã bàn với vợ bán nhà lên TP. Hồ Chí Minh sống để chị thuận tiện theo đuổi lịch huấn luyện, đồng thời chồng chị cũng chuyển công tác lên cùng vợ. Chị Xoa chia sẻ, cả đội thời gian qua đều phải trải qua những bài kiểm tra nghiêm ngặt về kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi khắc nghiệt, sử dụng hệ thống thông tin liên lạc của Phái bộ, nhận diện bom, mìn, đào hầm trú ẩn… Sau 4 năm huấn luyện, cả đội đã sẵn sàng và hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí khắt khe của Liên hợp quốc. “Dù không tận mắt chứng kiến những khó khăn, khắc nghiệt, thiếu thốn của nước bạn, nhưng theo dõi những thước phim tư liệu và nghe những người đàn anh từng thực hiện nhiệm vụ tình nguyện chia sẻ, chúng tôi cảm nhận nhiệm vụ của mình rất ý nghĩa, không phải ai cũng được giao. Nhiệm vụ lần này không chỉ là vinh dự bản thân, niềm tự hào của gia đình, mà có ý nghĩa rất lớn với mối quan hệ tốt của nước bạn và Việt Nam”, chị Xoa cho biết.

Những người lính bộ đội Cụ Hồ lúc nào cũng là những hình ảnh đẹp, để “đi dân quý, ở dân thương” là vậy. Họ đã sẵn sàng rời xa chốn phồn hoa, giữa chăn ấm đệm êm, giữa cuộc sống bình yên, để đem trái tim nhân ái chia sẻ cho những người bạn ở nơi xa còn vô cùng khó khăn. Đó là một vùng đất mà nghe nói nhiệt độ ban ngày lên tới 54 - 55 độ C và cả đất nước có vài chục km đường nhựa, còn lại là đường đất, sỏi đá. Dù thời gian 1 năm không phải quá dài nhưng sự hi sinh ấy vô cùng ý nghĩa và đáng trân trọng. Tất cả cán bộ, chiến sỹ đều mang trong mình sự quyết tâm, sẵn sàng đối mặt với khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Họ hiểu rõ rằng, mình không chỉ phải giỏi chuyên môn mà còn là sứ giả của hòa bình, văn hóa Việt Nam.

Các nữ quân y cũng thường ca hát, tập các tiết mục dân ca, mang theo những bộ áo dài in hình trống đồng, hoa sen, cô Ba Sài Gòn, áo tứ thân. Tết này, cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 sẽ đón một cái Tết đặc biệt. Dù còn hơn 4 tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng các chiến sĩ cũng đã chuẩn bị mang theo cả nguyên liệu, các dụng cụ nhà bếp để làm những món ăn đậm hương vị quê hương, để đón một cái Tết cổ truyền đầm ấm, quen thuộc tại Nam Xu-đăng. Các chị mong muốn ngoài chuyên môn, 10 bông hồng quân y sẽ để lại hình ảnh tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế về người phụ nữ Việt Nam đảm đang, duyên dáng.

Đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã đặt những bước chân đầu
tiên xuống sân bay quốc tế Juba, Nam Xu-đăng. (Ảnh: Mỹ Hạnh)

Đoàn đã đến nơi theo đúng kế hoạch

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được thành lập ngày 25/11/2014, trực thuộc Bệnh viện Quân y 175. Sau khi tới Nam Xu-đăng, cán bộ, chiến sĩ sẽ làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho quân nhân trong phái bộ gìn giữ hòa bình và khoảng 150.000 dân thường trong trại tị nạn trong thời gian 1 năm (từ nay đến ngày 30/9/2019). Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng mà còn là hình ảnh thiện chí vì mục đích nhân đạo của Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

Theo tin từ đồng nghiệp tại Nam Xu-đăng, chiều ngày 2/10 (giờ địa phương), chiếc máy bay C17 của Australia chở đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam triển khai tới Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng đã hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Juba của Nam Xu-đăng, theo đúng kế hoạch.

Cũng theo kế hoạch, lực lượng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 sẽ di chuyển theo các phương án vận chuyển đã thống nhất với Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Xu-đăng tới Bentiu vào ngày 3/10.

Đây là đợt triển khai thứ nhất của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tới Nam Xu-đăng gồm 32 người cùng các trang thiết bị y tế. Dự kiến, đợt hai sẽ được triển khai tới Nam Xu-đăng trong những ngày tới đây./.

(Theo ĐCSVN)